Schema là một đoạn code HTML hoặc JavaScript, được triển khai trong hạng mục SEO Onpage, giúp nâng tầm website trở nên nổi bật hơn trên các công cụ tìm kiếm. Tuy chỉ là những đoạn code ngắn nhưng có sức mạnh lớn để bộ máy tìm kiếm hiểu rõ hơn về ngữ cảnh cũng như nội dung đang đề cập. Cùng GYB khám phá các thông tin thú vị về schema qua bài viết này.
Schema hay Schema Markup là một đoạn mã HTML hoặc JavaScript được sử dụng để đánh dấu dữ liệu có cấu trúc, giúp bộ máy tìm kiếm có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa và mối liên hệ giữa các Entity (thực thể) trên trang web. Thông qua việc này, các công cụ tìm kiếm có thể cung cấp thông tin chính xác hơn về website dựa trên các đoạn trích dẫn hiển thị dưới tiêu đề trang.
Schema không chỉ giúp trang web trở nên chuyên nghiệp hơn, mà còn thu hút lượng truy cập đáng kể bằng cách cung cấp thông tin hữu ích và có giá trị cho khách hàng. Điều này tạo ra trải nghiệm người dùng tích cực và tăng cơ hội tương tác với trang web.
Hiện nay, trên toàn cầu có hơn 1.94 tỷ website đang hoạt động. Mặc dù người dùng có thể dễ dàng hiểu nội dung của những trang web này nhưng với các công cụ tìm kiếm, điều đó gặp phải một số khó khăn. Bởi có nhiều từ ngữ phức tạp mà bộ máy tìm kiếm không thể giải thích được.
Chẳng hạn, với chuỗi ký tự “The Heart” nó có thể liên quan đến trái tim hay là tên của một bài hát. Ý nghĩa của cụm từ này phụ thuộc vào ngữ cảnh nên gây khó khăn cho các công cụ tìm kiếm khi cố gắng hiển thị kết quả phù hợp cho người dùng.
Vì vậy, để giúp Search Engine hiểu và phân loại thông tin chính xác hơn, bạn cần cung cấp các cấu trúc và hướng dẫn theo tiêu chuẩn đã được xác định trước. Và đó chính là vai trò của Schema, cung cấp dữ liệu cụ thể giúp các công cụ tìm kiếm hiểu được loại hình và chủ đề của các trang web.
Cấu trúc dữ liệu Schema sẽ biến trang web của bạn trở nên độc đáo và hấp dẫn hơn bằng cách cung cấp thông tin phong phú và đáng chú ý. Ví dụ, khi người dùng quan tâm đến một sự kiện cụ thể, Schema sẽ giúp hiển thị các trang web chứa thông tin chi tiết về địa điểm, ngày giờ tổ chức,… Điều này sẽ giúp tăng lượng truy cập vào website của bạn. Hiện nay, có nhiều loại Schema khác nhau phù hợp với các cách hiển thị trang web trên kết quả tìm kiếm.
Để kiểm tra xem trang web của bạn đã tích hợp Schema Markup chưa hoặc xác định vấn đề liên quan đến dữ liệu, bạn có thể sử dụng Schema Markup Testing Tool của Google theo cách sau:
- Bước 1: Truy cập vào đường dẫn dưới đây:
https://developers.google.com/search/docs/appearance/structured-data?hl=vi
- Bước 2: Kích vào cụm từ “Chuyển đến công cụ Kiểm tra kết quả nhiều định dạng”.
- Bước 3: Dán URL/đoạn mã cần kiểm tra và “Kiểm tra URL”.
- Bước 4: Kiểm tra lại thông tin của các loại schema.
Google Search Console là một công cụ tuyệt vời để theo dõi tính hợp lệ của markup và đánh giá tác động của nó đối với hiệu suất của trang web. Bạn chỉ cần Inspect URL cần kiểm tra và check các loại Schema đã được xác nhận hay chưa.
Schema Markup (SMV) được phát triển dựa trên nền tảng của Google Structured Data Testing Tool, giúp kiểm tra tính hợp lệ của dữ liệu có cấu trúc theo định dạng Schema.org mà website đang sử dụng. SMV có khả năng trích xuất thông tin từ các đánh dấu JSON-LD, RDFa và Microdata, sau đó hiển thị một bản báo cáo tổng hợp về cấu trúc dữ liệu được trích xuất và nhận diện các lỗi cú pháp có thể xuất hiện trong Schema Markup.
- Bước 1: Truy cập vào website: https://validator.schema.org/
- Bước 2: Dán link URL cần kiểm tra và bấm “Chạy thử nghiệm”
- Bước 3: Kiểm tra lại thông tin của các Schema.
Rich Results Testing Tool (còn được viết tắt là RRTT) mang đến nhiều tính năng hữu ích, có thể so sánh ngang với Google Search Console. Nó không chỉ giúp bạn xem trước cách trang web sẽ hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm (SERP), mà còn cung cấp nhiều tiện ích khác.
Tuy nhiên, RRTT chỉ kiểm tra và xác nhận các loại Schema org đủ điều kiện để tạo ra kết quả phong phú (Rich result). Trong trường hợp không đủ điều kiện, người dùng hay Technical SEO Schema có thể kiểm tra JSON – LD “thô” để đảm bảo rằng dữ liệu đang được thu thập. Ngoài ra, nếu muốn xem tất cả các schema trên một trang web, bạn nên sử dụng các công cụ kiểm tra khác.
- Bước 1: Truy cập vào liên kết https://search.google.com/test/rich-results.
- Bước 2: Dán link URL/Đoạn mã cần kiểm tra và nhấn “Kiểm tra URL”.
- Bước 3: Kiểm tra lại những thông tin của schema.
Structured Data Testing Tool từng là công cụ nhanh và dễ đọc nhất cho người sử dụng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, công cụ này đã không còn được sử dụng và dần bị thay thế bởi SMV. Cả hai công cụ đều hỗ trợ nhập URL hoặc dán đoạn mã để hiển thị Schema Markup ở định dạng dễ hiểu với người dùng.
Có một số điểm quan trọng mà người dùng cần chú ý khi sử dụng Structured Data Testing Tool chính là công cụ thường lưu trữ phiên bản trang. Vì vậy, nếu bạn thường xuyên thay đổi markup, phiên bản mới có thể không được kiểm tra. Để khắc phục điều này, người dùng chỉ cần nhấp vào kiểm tra mới và dán JSON – LD hoặc microdata mới vào công cụ.
Từ điển Schema org mang đến nhiều định dạng để tổ chức thông tin về người, vị trí hoặc thực thể trên internet. Hơn nữa, trang web cũng cung cấp một danh sách đầy đủ các loại Schema như sau:
Loại Schema này giúp hiển thị nổi bật phần giới thiệu của công ty bằng cách cung cấp những thông tin cơ bản như logo, thông tin liên lạc, địa chỉ,… Điều này hỗ trợ khách hàng dễ dàng tìm thấy những thông tin quan trọng trên một cách hiệu quả nhất.
Đây là một loại Offer Schema được thiết kế đặc biệt cho việc quảng bá sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực kinh doanh. Cả hai loại Schema đều cung cấp thông tin quan trọng như trạng thái và giá cả, tỉ lệ đánh giá, thông tin mua hàng ,…
Tuy nhiên, Markup Offer được sử dụng khi thông báo về giá cả cụ thể và đơn vị tiền tệ. Trong khi đó, Markup Product chỉ đơn giản yêu cầu tên sản phẩm.
Schema này hiển thị các thông tin cá nhân cơ bản của người sử dụng. Có thể kể đến như tên, ngày tháng năm sinh, vị trí công việc, trình độ học vấn và thông tin về thành viên trong gia đình.
Đúng như tên gọi, Schema Markup này được thiết kế đặc biệt để áp dụng cho các doanh nghiệp hoặc công ty địa phương. Việc thêm lược đồ cho phép Google hiển thị giờ làm việc, các phòng ban khác nhau trong doanh nghiệp của bạn,…
Hầu hết người dùng khi quyết định mua sản phẩm đều thường xem xét và đánh giá trước đó. Vì vậy, đây là một điểm mà bạn cần tập trung đặc biệt. Các dạng đánh giá (Review/Rating Schema Markup) này cung cấp thông tin nhanh chóng về đánh giá của trang web, giúp tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
Schema Markup là một công cụ mạnh mẽ, mang lại hiệu suất ấn tượng trong việc thu thập dữ liệu và đánh chỉ mục video của Google trực tiếp trên trang web. Điều này không chỉ giúp tăng cường sự hiệu quả của website mà còn thúc đẩy khả năng xuất hiện của video trên Google Video Search.
Đặc biệt, Schema không chỉ giới hạn hiển thị trên nền tảng phổ biến như YouTube mà còn mở rộng cơ hội xuất hiện trên các nền tảng khác. Từ đó tạo ra trải nghiệm đa dạng và thuận tiện cho người sử dụng.
Breadcrumbs Markup là một dạng dữ liệu có cấu trúc (structured data) được sử dụng để đánh dấu Breadcrumbs trên trang web. Dữ liệu này giúp Google hiểu rõ hơn về cấu trúc cũng như vị trí của từng trang trong website. Từ đó hiển thị Breadcrumbs trong kết quả tìm kiếm một cách chính xác và đầy đủ hơn.
Article Schema Markup được sử dụng cho bài đăng blog, tin tức hay bài báo, giúp các công cụ tìm kiếm dễ dàng hiểu rõ nội dung bao gồm tiêu đề, thời gian xuất bản và có thể là hình ảnh nổi bật hoặc video. Ngoài ra, còn nhiều loại Schema Markup khác nhau được áp dụng cho từng thể loại bài viết cụ thể như:
- AdvertiserContentArticle,
- News Article,
- Report,
- Satirical Articles,
- Scholarly Article,
- Social Media Posting,
- Tech Article,
- Và nhiều loại bài viết khác.
Schema này mang lại các thông tin liên quan đến các sự kiện được lên lịch trước như thời gian, địa điểm và giá vé. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tìm kiếm và đưa ra quyết định.
Service Schema đóng vai trò là một loại đánh dấu đặc biệt, hỗ trợ các công cụ tìm kiếm hiểu sâu hơn về danh mục dịch vụ mà doanh nghiệp của bạn đang cung cấp. Việc tích hợp Service Schema giúp cải thiện khả năng hiển thị trang web một cách chính xác hơn trong kết quả tìm kiếm. Đồng thời hỗ trợ đáp ứng nhanh chóng các truy vấn của người dùng.
Các đoạn văn ngắn xuất hiện ở đầu trang kết quả tìm kiếm Google được thiết kế để cung cấp trả lời nhanh chóng cho truy vấn của người tìm kiếm. Các dữ liệu xuất hiện trong đoạn trích nổi bật được tự động rút trích từ nội dung của trang, có sẵn trong danh mục của Google. Các loại đoạn trích phổ biến bao gồm định nghĩa, bảng, danh sách và hướng dẫn theo các bước.
Đây là những liên kết phụ xuất hiện dưới liên kết chính của một trang web khi người dùng tìm kiếm trên Google. Những đường liên kết này có vai trò quan trọng trong việc tăng cường tỷ lệ nhấp tự nhiên vào website của bạn mà không tốn bất kỳ chi phí nào.
Nếu bạn là chủ sở hữu của một website cung cấp các hướng dẫn nấu ăn, làm đẹp và nội dung tương tự, việc tích hợp Schema cho công thức đóng vai trò quan trọng. Bởi Schema này sẽ giúp hiển thị chi tiết về nguyên liệu, thời gian nấu ăn và chuẩn bị ngay trong kết quả tìm kiếm, mang lại cái nhìn tổng quan cho người dùng khi họ truy cập trang của bạn.
Hình thức đánh dấu lược đồ này được thiết kế để thể hiện chi tiết về khóa học của bạn. Bao gồm tên khóa học, thông tin về giảng viên, chi phí học phí và nhiều thông tin khác. Việc tích hợp Course Schema không chỉ giúp tăng cơ hội xuất hiện của trang web trong kết quả tìm kiếm mà còn làm cho việc tìm kiếm thông tin trở nên dễ dàng hơn đối với những học viên tiềm năng.
Lược đồ Book Schema là một loại đánh dấu giúp hiển thị thông tin chi tiết về một cuốn sách cụ thể, bao gồm tên sách, tác giả, năm xuất bản và nhiều thông tin khác. Đối với các website của nhà xuất bản và doanh nghiệp kinh doanh sách, việc áp dụng Book Schema Article Markup rất quan trọng. Điều này để đảm bảo rằng mọi thông tin về sách đều được hiển thị một cách rõ ràng trên kết quả tìm kiếm. Từ đó thu hút sự chú ý của độc giả và người dùng một cách hiệu quả, giúp tăng cơ hội chú ý của khách hàng.
Job Posting Schema là một loại đánh dấu giúp tin tuyển dụng của bạn xuất hiện trực tiếp trên trang tuyển dụng của Google. Điều này không chỉ đơn giản là một cách để hiển thị thông tin về công việc, mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp người tìm việc lọc và tìm kiếm công việc theo nhiều tiêu chí khác nhau. Với khả năng này, việc tuyển dụng của bạn sẽ thu hút được một lượng ứng viên đa dạng hơn, nhờ vào khả năng tìm kiếm hiệu quả trên Google.
Sử dụng Schema Plugin là một cách tiện lợi để tích hợp Schema vào website. Plugin này có khả năng hỗ trợ cả các Schema trước đó. Để cài đặt Schema Plugin, bạn chỉ cần thực hiện các bước sau đây:
Bước 1: Truy cập giao diện quản trị WordPress, chọn mục Plugins > Add New. Tiếp theo, nhập từ khóa “Schema” vào ô tìm kiếm.
Bước 2: Sau khi tìm thấy Schema Plugin, nhấn vào nút “Install now” để bắt đầu quá trình cài đặt.
Bước 3: Tiếp theo đó bấm “Kích hoạt”.
Bước 4: Khi Plugin đã được kích hoạt thành công, di chuyển đến mục Schema > Settings để bắt đầu cấu hình.
Bước 5: Điền đầy đủ thông tin cơ bản của trang như About Page, Contact Page và tải lên logo cho trang web trong phần General. Bên cạnh đó, hãy điền các trường Content, Knowledge Graph, Search Result để tối ưu hóa kết quả tìm kiếm.
Bước 6: Tiếp tục đến mục Schema Types để xác định loại Schema nào sẽ được thêm vào trang web của bạn.
Các Plugin sẽ giúp bạn thêm Schema một cách thuận tiện, ngay cả khi bạn không có kiến thức vững về mã nguồn hay lập trình. Dưới đây là hướng dẫn cách tạo đánh dấu lược đồ bằng những Plugin tạo Schema hàng đầu hiện nay.
WordPress cung cấp nhiều ứng dụng mở rộng như WP Review, Plugin Schema, Schema Pro Plugin, WPSSO Schema JSON – LD Markup, SEOPress. Sau khi cài đặt và kích hoạt Plugin Schema, hãy truy cập mục Schema và chọn Cài đặt để bắt đầu thêm Schema Markup vào website. Tiếp theo, nhập thông tin cơ bản và nhấp vào Quick Configuration Wizard để dễ dàng thiết lập mọi thứ.
Yoast SEO không còn xa lạ với các chuyên gia SEO. Sau khi cài đặt Yoast SEO, bạn có thể xác định loại hình tổ chức mà website đại diện. Tại hướng dẫn Yoast, người dùng chỉ cần nhập thông tin như tên cá nhân hoặc tổ chức, cùng với Logo của tổ chức.
Nếu bạn muốn cập nhật loại thực thể mà website đại diện, hãy vào mục SEO, chọn Xuất hiện trong tìm kiếm và nhấp vào Tab Chung. Sau đó, bạn cuộn xuống phần Knowledge Graph & Schema.org và nhập các chi tiết cần thiết.
Sau khi bạn đã cấu hình loại trang web, Yoast SEO sẽ tự động tích hợp Schema Markup vào trang WordPress của bạn.
Để tối ưu hóa WooCommerce Stores, người dùng có thể tích hợp Schema Markup thông qua Plugin Yoast WooCommerce SEO. Ngoài ra, phiên bản Premium của WPSSO Core cũng cung cấp Ecommerce Markup chất lượng cao cho cửa hàng WooCommerce của người dùng.
Để mở rộng tính năng này, bạn cũng có thể xem xét tiện ích mở rộng Schema WooCommerce. Điều này sẽ giúp cửa hàng thương mại điện tử được bổ sung với các thông tin Schema liên quan, tăng cường trải nghiệm cho khách hàng.
Việc thêm Schema thủ công đòi hỏi bạn phải tiếp cận với mã nguồn và có kiến thức nhất định. Có ba phương pháp phổ biến để thêm Schema Markup thủ công để bạn tham khảo ngay sau đây.
JSON – LD là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để thêm Schema, được Google chính thức khuyến nghị. Sử dụng Javascript để tích hợp dữ liệu có cấu trúc, JSON-LD giúp website của bạn trở nên dễ đọc và dễ dàng sửa lỗi khi cần thiết. Quá trình thêm Schema bằng JSON – LD có các bước như sau:
Bước 1: Truy cập công cụ Schema Markup Generator (JSON – LD). Mặc dù nhiều tài liệu hiện nay hướng dẫn theo các quy trình như Khai báo định dạng > Thêm Object Structure > Xác định kho dữ liệu đang liên kết > Xác định loại nội dung cần đánh dấu. Tuy nhiên, công cụ này sẽ giúp bạn hoàn tất cả 4 bước đó chỉ với việc nhập thông tin của website.
Bước 2: Xác định loại nội dung Schema. Bạn chỉ cần nhấp vào danh sách các Schema và chọn loại nội dung phù hợp.
Bước 3: Khai báo thông tin cho Schema. Sau khi nhập thông tin, bạn sẽ tự động nhận được đoạn mã Script tương ứng.
Bước 4: Chèn mã Script vào trang web. Với đoạn mã Script này, bạn có thể yên tâm vì nó đã bao gồm khai báo định dạng, Object Structure và xác định kho dữ liệu được liên kết. Không cần lo lắng về việc viết mã hoặc lo sợ về lỗi mã.
Sau khi có đoạn mã Script, bạn chỉ cần yêu cầu đội ngũ phát triển hỗ trợ thêm mã vào website. Thông thường, đoạn mã sẽ được đặt trong phần header. Đối với website sử dụng WordPress, bạn có thể sử dụng các plugin như Header and Footer Scripts để chèn mã một cách an toàn.
RDFa (viết tắt của Resource Description Framework in Attributes) là một phần mở rộng của ngôn ngữ HTML5, được thiết kế để hỗ trợ việc đánh dấu Schema. Chúng có khả năng tích hợp nhiều dữ liệu có cấu trúc khác nhau, đặc biệt hữu ích khi bạn muốn bổ sung dữ liệu có cấu trúc mà thư viện Schema.org chưa cung cấp đầy đủ.
Để thêm Schema bằng RDFa, bạn cần thực hiện các bước khai báo Schema và thuộc tính cụ thể như sau:
Bước 1: Truy cập công cụ Play trên RDFa tại đường link: https://rdfa.info/play/.
Bước 2: Thực hiện việc khai báo Schema. Tương tự như JSON – LD, bạn cần sử dụng thẻ vocab và vẫn sử dụng URL http://schema.org/ để xác định nguồn dữ liệu cho đánh dấu của mình, ở loại trang được xác định bởi thẻ typeof không phải thẻ type.
Mặc dù công cụ RDFa Play không cung cấp đa dạng Schema như Schema Markup Generator. Tuy nhiên, nó lại hiển thị một cách trực quan loại Schema mà bạn đang tạo cùng với sơ đồ Visualization, giúp bạn dễ hình dung.
Microdata là một tập hợp các thẻ HTML5 được xây dựng nhằm tối ưu hóa quá trình diễn giải các phần tử HTML, thông qua việc sử dụng các thẻ mà các công cụ tìm kiếm có thể hiểu một cách dễ dàng hơn. Khác với việc khai báo Schema như trong 2 phương pháp trên, Microdata đòi hỏi bạn phải nhập mã code thủ công hơn. Quy trình thực hiện bao gồm những bước dưới đây:
Bước 1: Khai báo Schema Markup. Dưới đây là một ví dụ về việc sử dụng Schema cho một nhà hàng (ví dụ: Huongsen).
Bước 2: Khai báo các thuộc tính. Trong bước này, bạn sẽ cung cấp thông tin về loại đối tượng, tương đương với thuộc tính “@type” trong JSON – LD hoặc thuộc tính “typeof” trong RDFa. Sau đó, bạn tiếp tục khai báo các thông tin khác.
Sau khi hoàn thành, bạn có thể nhúng đoạn mã này vào trang web của mình, tương tự như cách thực hiện trong hai phương pháp ở trên.
Đã có không ít trường hợp lạm dụng khi sử dụng Schema. Dưới đây là một số vấn đề bạn có thể gặp khi triển khai Schema.
- Đối với Schema đánh giá: Tạo ra một lượng lớn đánh giá ảo có thể làm mất niềm tin của người dùng.
- Tự tạo ra câu hỏi và câu trả lời khi sử dụng Schema hỏi đáp.
- Có thể bạn không biết Schema Person hay Schema Local Business nên được áp dụng ở đâu, thậm chí có khả năng bạn gắn liền tất cả các URL của website.
- Nhiều người tạo Schema công thức nấu ăn hoặc sự kiện chỉ muốn kết quả hiển thị đẹp mắt hơn. Tuy nhiên, nội dung và loại hình của trang web lại không liên quan.
Database Schema hay còn gọi là Lược đồ cơ sở dữ liệu là bản đồ mô tả một tập hợp các siêu dữ liệu về mối quan hệ giữa các thông tin trong cơ sở dữ liệu và các đối tượng tương ứng. Chức năng chính của Database Schema là xác định rõ cấu trúc và tổ chức của dữ liệu. Đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính hiệu quả và sự tổ chức hệ thống của cơ sở dữ liệu.
Schema SQL là một bộ sưu tập các đối tượng trong cơ sở dữ liệu được quản lý bởi một người dùng hoặc một vai trò cụ thể. Các đối tượng này có thể bao gồm Bảng, View, Index, Trigger, Stored Procedure, Function và Package và nhiều hơn nữa.
Chức năng của Schema là tổ chức và quản lý các đối tượng trong cơ sở dữ liệu một cách thuận tiện, từ đó tối ưu hóa hiệu quả quá trình quản lý chúng. Đặc biệt, trong SQL Server, bạn có thể tạo schema bằng cách sử dụng câu lệnh Create Schema.
Schema Quan hệ là một khái niệm quan trọng trong mô hình cơ sở dữ liệu quan hệ. Đây là một mô tả trừu tượng về cấu trúc của một bảng trong cơ sở dữ liệu. Schema Quan hệ bao gồm các thành phần sau:
- Tên Bảng: Đây là định danh của bảng trong cơ sở dữ liệu.
- Thuộc Tính: Đại diện cho các cột trong bảng. Mỗi thuộc tính có một tên riêng, kiểu dữ liệu và giá trị mặc định (nếu có).
- Ràng Buộc: Là các quy tắc áp dụng cho các thuộc tính trong bảng, giúp định rõ hơn về quy luật và điều kiện mà dữ liệu phải tuân thủ.
Mục tiêu của Relational Schema là tạo ra một biểu diễn logic và có tổ chức của dữ liệu, giúp người quản lý cơ sở dữ liệu và những người tham gia trong quá trình phát triển hệ thống có cái nhìn rõ ràng và dễ hiểu về cấu trúc dữ liệu của bảng.